Nguyên văn bởi ptoanel
Xem bài viết
Ý chú nói trùng khớp với suy nghĩ của cháu ở câu: "...Học bằng mạng, học bằng bạn, hoc bằng ghi danh vào 1 khóa học...đều có thể gọi là tự học". Vì ngay khi xem qua một lượt các trao đổi của luồng cháu đã nghĩ: "Suy cho cùng thì cái gì mà chả là tự học!", bởi vì theo lý luận về mặt ngôn ngữ thì nói đến học phải nói "học cái gì" hoặc "học ai về cái gì", nghĩa là "học" là một ngoại động từ! Ngay cả khi một người "bị học" thì xét cho cùng theo cách nhìn nhận về thực chất như thế thì đó cũng là "tự học". Vì chẳng thể có chuyện người này tiến hành "học" cái gì đó mà rồi kiến thức, kinh nghiệm thu thập được từ đó lại bồi đắp, cập nhật vào một ...người khác được!
Chính vì nghĩ như vậy nên cháu nhận thấy: Vậy là việc học ở bất kỳ hình thức, phương thức, phương pháp... nào cũng đều là tự học! Và thực tế, chính việc theo dõi, lắng nghe và trao đổi trên diễn đàn của chủ topic cậu ta chính là đã và đang "tự học" rồi đấy thôi! Từ đó cháu mới nêu ra ý kiến bên trên với tóm tắt: Vấn đề không phải là "Có tự học được không?" (Vì việc học, như lý sự trên, vốn đã là tự học rồi, hơn nữa bạn chính là đang tự học rồi đấy thôi). Mà đặt lại vấn đề là: Động lực của việc học là gì? Và thứ hai: Cái gì cũng có thể được hết, vấn đề là thời gian thế nào? Hay bạn muốn làm việc đó, đạt được mục đích đó trong một thời gian như thế nào? Từ đó mà có mà có một giải pháp, phương pháp thích hợp để mà rồi từ đó mới có thể nói đến chất lượng, hiệu quả...
Các chia sẻ bên trên của cháu chính là trả lời vào các vấn đề đó. Nhưng việc trao đổi, đàm luận từ xưa đến nay luôn luôn là như vậy: các ý kiến, các trao đổi luôn có xu hướng phát triển xa rời dần mục đích ban đầu của người đề xướng. Nên bài post này của cháu, ngoài việc tâm đắc và bình luận về các ý kiến của chú bên trên, cháu muốn trở lại trả lời thêm cho chủ topic nhằm vào đúng ý định trong câu hỏi ở post #1. Đó là trả lời cho câu hỏi:
"... Như vậy nếu em bắt đầu vào mò mẩm thì cần những giáo trình nào và theo trình tự như thế nào. Anh chị nào có đầy đủ giáo trình post share cho em với nha. Xin các anh chị nhiệt tình chỉ giúp vì em cũng đam mê vọc mấy cái này lắm. Xin chân thành cảm ơn. Nếu không tự học được thì có bác nào đang làm nghề nhận em vào dạy cho em với..."
Lại về vấn đề thầy. Thầy cũng như sách vậy. Nghĩa là cũng có rất nhiều. Nói thầy "giỏi hơn", "dạy hay hơn" e rằng sẽ rơi vào cái vòng luẩn quẩn không bao giờ kết thúc của "ý kiến chủ quan" của các cá nhân. Giống như sách, bạn có thể "chọn" bất cứ thầy nào, miễn là theo "thầy" đó bạn thấy mình ngày càng hiểu biết và tiến bộ về các kiến thức (dù là lý thuyết hay thực hành) điện tử. Và cũng đừng câu nệ cổ hủ rằng sách và thầy luôn luôn đúng, hoặc ngựoc lại, khi phát hiện sách hay "thầy" sai cái gì đó thì lập tức "vỡ mộng tin tưởng" hay quay lưng đổi thái độ, vứt cuốn sách đó, bỏ người thầy đó... các quan niệm như thế đều là cổ hủ. Vì một điều: Ai cũng cần học và phải học liên tục. Sáng kiến hôm nay có thể là "tối" kiến ngày mai. Sách chẳng qua là kiến thức của một giai đoạn, hoặc một "vùng miền" nào đó mà thôi. Và còn một điều nữa: "Ngay cả khi bạn "vỡ mộng" về một điều gì đó, đó cũng là một kiến thức như bao kiến thức khác. Bởi vì chính từ đó bạn sẽ cần nâng cấp hiểu biết lên thứ bậc cao hơn, nghĩa là sẽ cần tìm đến những cuốn sách khác, tìm đến một người thầy khác. Vì vậy, hay là một người "tự học" đúng nghĩa, với một cách nhìn ...bao dung!
Về trình tự: Tất nhiên sẽ là "chủ quan cá nhân" nhưng với mục đích gợi ý, từ chia sẻ của bạn tôi đề xuất bạn theo trình tự sau:
Hãy bắt đầu từ cuốn "Điện tử căn bản". Tiêu đề sách này có rất nhiều tác giả viết, việc của bạn chỉ là tìm và chọn cuốn mình thấy là "được đấy!!!". Ý của tôi trong lời khuyên này là: Bạn nên bắt đầu từ việc làm quen với "tên gọi, mặt mũi, hình dáng, công dụng, lý do tồn tại..." của các loại linh kiện căn bản trong kỹ thuật điện tử. Từ đó bạn sẽ có các khái niệm, làm quen các thuật ngữ để mà theo dõi được trên các "phương tiện thông tin" như chính diễn đàn này. Cũng một công đôi việc, bạn bắt đầu làm quen với các "vấn đề" của điện tử. Vì cuốn sách kia khi bàn về linh kiện điện tử không thể không nói đến các mạch điện căn bản, ứng dụng căn bản của các linh kiện và cũng không quên giới thiệu mở rộng nâng cao các ứng dụng hay nơi cư trú phổ biến của anh em, họ hàng dây mơ rễ má của các kinh kiện đó trong thế giới thực... Sau đó, thưc ra là đồng thời, bạn tìm cuốn "hướng dẫn thực hành diện tử", hoặc cuốn "mạch điện thực dụng, lý thú", hoặc bất cứ cuốn nào có chủ trương dẫn bạn bắt tay vào việc "sờ mó, lắp ráp" mạch điện thực tế. Các cuốn sách như vậy rất nhiều. Và lại tiếp theo hay lại đúng hơn là đồng thời, bạn vào các diễn đàn, tìm đúng nơi như chính luồng trao đổi này của bạn để "hóng", "tìm", "hỏi han" bất cứ cái gì từ kiến thức căn bản hay nhờ hướng dẫn tìm cách mua, nơi mua, giá thành... của các linh kiện và cả các dụng cụ, đồ nghề, máy đo... của "nghề" điện tử. Chẳng phải bạn muốn bắt đầu sờ mó và dấn thân vào "Điện tử" hay sao?? Chưa kể bạn sẽ bắt đầu sẽ làm quen đựoc với anh em bạn bè cùng "lớ ngớ" hay thậm chí là tìm đựoc "thầy online"... để mà tăng tốc độ thâm nhập vào "làng điện tử". Đến đây không cần hướng dẫn thêm, kiến thức của bạn sẽ bắt đầu tăng vùn vụt! Có ai muốn hãm bạn lại, kéo bạn ra khỏi "điện tử" không khéo lại còn bị bạn "dụ dỗ bước chân lầm lạc vào cuộc đời... Điện tử" !!!
Nếu sau một loạt tháng ngày mà bạn vẫn không thể tiến bộ được thì chỉ có mỗi một lý do, đó là: "Chán! Nhạt! Chả thấy ý vị gì cả!". Đó chính là vì: Bạn không có duyên với Điện Tử! OK, chẳng có gì gọi là thất bại hay lãng phí thời gian tiền bác cả. Bạn nhận được bài học khá giá trị: Mình đã không chọn Điện tử!
Đúng ra luồng này phải ở trong box Tâm Tình. Nhưng nếu đã ở box Tâm Tình thì thường là người khởi xướng ít nhiều đã mó tay vào Điện Tử rồi. Còn đứng ở vị trí chủ topic này, nếu là một người "chưa bắt đầu" với Điện tử thì đặt ở đây cũng là hợp lý. Cháu kính mời chú PT cũng các bạn tiếp tục đàm luận, cung cấp các lời khuyên cũng như phản biện!
Comment