Vi mạch (microcircuits), hay Mạch tích hợp (Integrated Circuits, viết tắt là IC), là linh kiện cơ bản, là buồng tim, là bộ não của các máy điện tử, tin học, tự động hóa, kiểm soát, đo lường, tính toán, v.v., phục vụ cho mọi hoạt động của xã hội ngày nay. Vi mạch có chức năng như vậy từ đầu thập kỷ 1980, khi phép tích hợp quy mô siêu lớn (Very Large Scale Integration = VLSI) được xác lập.
GS.TS Đặng Lương Mô - Cố vấn Đại học Quốc gia Thành Phố HCM, một nhà khoa học Việt kiều Nhật Bản, nổi tiếng trên thế giới về lĩnh vực vi mạch - một người có nhiều đóng góp cho đất nước về đào tạo và tư vấn khoa học công nghệ. Ông cũng là người đã dầy công tìm hiểu, trao đổi, tiếp xúc với các nhà nghiên cứu ở Mỹ, Nhật về lĩnh vực thiết kế vi mạch nhằm mục đích xây dựng và hình thành Trung tâm Nghiên cứu và Ðào tạo Thiết kế Vi mạch tại Việt Nam.
Bởi vì, theo GS.TS Đặng Lương Mô ngày nay nền công nghiệp vi mạch đã được nâng lên hàng đầu, cả về quy mô lẫn về sự kết hợp tri thức khoa học. Ở châu Á, Nhật Bản là quốc gia tiên phong trong lĩnh vực này, vào giữa thập kỷ 1970, Nhật Bản có một kế hoạch quốc gia 5 năm gọi là “VL Project” với mục đích xác lập công nghệ chế tạo đại trà những con chip có quy mô trên 1 triệu transistor. Kế hoạch này đã thành công mỹ mãn, và một bước đã đưa Nhật Bản lên hàng đầu về chế tạo vi mạch. Ở Nhật Bản, nền công nghiệp vi mạch ngày nay có kích thước ngang ngửa với nền công nghiệp chế tạo xe ôtô, nghĩa là một trong những công nghiệp chủ chốt. Sau thành công kể trên, nhiều nước công nghiệp từ Âu sang Á đã rập theo khuôn mẫu của Nhật Bản, đưa ra những kế hoạch tương tự. Một trong những nước châu Á là Hàn Quốc đã thành công vào cuối thập kỷ 1990. Những nước và vùng lãnh thổ khác ở châu Á cũng lần lượt nắm bắt được công nghệ chế tạo vi mạch, như Ðài Loan, Singapore, Trung Quốc, v.v.
NVX xin được trích giới thiệu bài viết của GS.TS Đặng Lương Mô về: "Những vấn đề đặt ra và sự hình thành Trung tâm Nghiên cứu và Ðào tạo Thiết kế Vi mạch ở Việt Nam".
Ở Việt Nam, tầm quan trọng của công nghiệp bán dẫn đã được nhận thức từ lâu, và 30 năm trước đây, đã có đầu tư để gầy dựng nền công nghiệp này , nhưng tiếc rằng, cho đến nay vẫn chưa thấy xuất hiện một cơ sở chế biến bán dẫn quy mô công nghiệp nào cả
Ngày nay, nền công nghiệp bán dẫn - vi mạch, đã vượt lên trên nền công nghiệp sắt thép về quy mô, và dự kiến đến năm 2010, nền công nghiệp này sẽ có quy mô 1.000 tỷ USD . Coi dân số thế giới lúc đó là hơn 6 tỷ người, thì bình quân mỗi đầu người sẽ tiêu thụ một lượng bán dẫn - vi mạch tương đương với 200USD/năm. Lại nếu giả sử dân số Việt Nam lúc đó là 80 triệu người, thì phần chia của Việt Nam về bán dẫn - vi mạch là 16 tỷ USD.
Gần đây, Nhà nước Việt Nam đã định nghĩa bốn lãnh vực công nghiệp mũi nhọn trong đó công nghiệp vi mạch được kể là một. Vai trò của giới khoa học, giáo dục và công nghiệp, là nỗ lực hướng đến gây dựng nền công nghiệp vi mạch, và giới lãnh đạo chính quyền cần tạo điều kiện cho nỗ lực ấy thành công, để làm sao đạt mục tiêu đem lại cho Việt Nam phần chia chính đáng nói trên.
Với suy nghĩ trên, tôi đã đề nghị Ðại Học Quốc Gia TP.HCM, thiết lập Trung tâm Nghiên cứu và Ðào tạo Thiết kế Vi mạch . Tại sao hạn chế hoạt động nghiên cứu và đào tạo của Trung tâm vào Thiết kế Vi mạch? Ðây là bởi vì công nghệ vi mạch ngày nay có thể chia thành hai mảng rõ rệt : thiết kế (design) và chế biến ( processing ). Mảng thiết kế cũng gọi là công nghệ “phi xưởng" ( fabless ) , còn mảng chế biến gọi là “lò chế tạo" ( foundry ). Thiết kế đòi hỏi nhiều chất xám, trí tuệ nhưng ít thiết bị, trong khi đó thì một lò chế tạo quy mô công nghiệp, thường là bạc tỷ USD. Vì thế, đại học nên đầu tư cho nghiên cứu và giáo dục về thiết kế, và nếu được, chỉ cần đầu tư về chế biến đủ để kiểm chứng thiết kế, mà thôi.
Comment