Nếu đây là lần đầu tiên đến với Điện Tử Việt Nam, bạn có thể đọc phần Hỏi đáp bằng cách nhấn vào liên kết. Có thể bạn cần đăng kí trước khi có thể gửi bài . Để bắt đầu xem bài viết, chọn diễn đàn bạn muốn thăm dưới đây.
Mình có thể xác nhận IC quản lý nguồn trong sản phẩm trên đúng 100% là do kỹ sư Việt Nam thiết kế, hy vọng tới đây sẽ có thêm nhiều phát hiện như thế này nữa.
Về thời gian gặp mặt, vì có một số bạn ở xa không về kịp vào T7 CN nên mới phải chuyển sang thứ 3. Mình đã hẹn 6h chiều để mọi người đảm bảo ngoài giờ làm, tuy nhiên nếu anh em cho rằng như thế quá sớm thì có thể lùi lại nữa. Hay là chuyển hẳn đến 8h tối cho yên tâm ?? Mọi người cho ý kiến nhé.
Về thiết kế PMIC tại Việt nam, mình biết một số công ty làm đã có sản phẩm bán, trong đó Active Semi nhiều uy tín nhất. Tiếp xúc một số bạn trong công ty này thấy các bạn thiết kế theo qui trình tốt, tận dụng tối đa tính năng phần mềm đã mua, tuy nhiên trang bị ở đây chỉ phù hợp làm PMIC mà ko thể làm tới tần số cao hơn.
Công ty Telechip cũng đã có lần sang VN tìm đối tác lập chi nhánh thiết kế tại VN. Hình như sau đó cũng không đi đến đâu, vì tìm được nhóm thiết kế tốt không dễ.
Em chào cả nhà !
Do mấy tuần vừa rồi em phải thi cử liên miên nên đến giờ em mới theo dõi được topic . Xin cảm ơn những hướng dẫn của các bác , đặc biệt là bác hithere và bác rommel.de . Do lúc đầu em cũng chưa nắm được nguyên lý các dạng mạch của Opamp nên lúc hỏi có hơi chung chung . Em cũng vừa vào sinh hoạt ở IC club của Active Semi . H mới biết có nhiều mem của 4rum từng làm cho công ty này . Đúng là hỏi chuyện về analog IC ở Hà Nội thì dễ gặp các tiền bối thật ! Mà e thấy hình như sinh hoạt ở 4rum toàn là các bác ở HN thì phải ?
Tớ rất vui khi biết ở VN hiện nay có ngày càng nhiều bạn sinh viên theo đuổi ngành thiết kế ASIC như bạn Mrnvhien. Các bạn còn có cả club để sinh hoạt nữa. Mười mấy năm trước tớ ở Hà Nội chẳng thấy ai nói gì về thiết kế ASIC cả. Việc VN thiết kế được PMU quả là việc rất đáng mừng. Tớ nghĩ với nhiều người thiết kế thì làm PMU chỉ là chuyện rất nhỏ, nhưng để làm được một sản phẩm dù nhỏ nhưng được thị trường chấp nhận quả là một điều rất đáng trân trọng. Hi vọng VN sẽ ngày càng có nhiều thành công hơn.
Tớ thấy hiện nay rất nhiều trường đại học ở Mỹ cũng như nhiều nước đưa bài giảng lên mạng và các bạn có thể download về dễ dàng. Thậm chí họ còn quay video cả giờ giảng trên lớp. Các bạn cũng biết tiền học ở Mỹ lên đến ba bốn chục nghìn một năm. Vậy thì việc tiếp cận miễn phí những tài liệu này rất quý giá với sinh viên VN. Tớ cũng thấy rất nhiều sách bị copy, hay scan rồi đưa lên mạng, và các bạn cũng có thể download về dễ dàng. Như vậy có thể nói điều kiện để các bạn sinh viên học thiết kế ASIC bây giờ cũng đâu kém ở nước ngoài bao nhiêu.
Tớ nghĩ VN có tiềm năng phát triển ngành thiết kế ASIC cũng như ngày xưa từng phát triển ngành toán. Toán ngày xưa để phát triển chỉ cần sách vở, thầy giỏi, và trò giỏi. Ngành thiết kế muốn phát triển cũng cần sách vở (download trên mạng), phần mềm thiết kế (*****), thầy giỏi (video online tớ không biết thầy giáo ở VN thì sao), và trò giỏi (các bạn). Tớ không biết môi trường làm việc về thiết kế ASIC ở VN hiện nay như thế nào nhưng chắc vẫn chưa phát triển lắm. Nhưng các bạn có thể hi vọng vào một sự thay đổi, hoặc có thể ra nước ngoài làm việc (hiện nay toàn cầu hóa mà). Thời của tớ mọi người chẳng ai biết gì về thiết kế mà tớ còn học được thì các bạn nhất định phải khác chứ.
Tớ không biết khả năng tiếng Anh của các bạn đến đâu nhưng tớ nghĩ rằng các bạn phải khá hơn tớ ngày xưa (tớ ngày xưa cũng khá tiếng Anh hơn các tiền bối của tớ mà). Các bạn cứ đọc sách tiếng Anh, nghe video bài giảng bằng tiếng Anh dần rồi quen, sau này còn sang Mỹ làm cho Intel, Qualcomm... nữa chứ. Nếu có gì không hiểu các bạn cứ đưa lên forum, tớ rất vui nếu giúp được các bạn.
Bác rommel.de động viên vậy làm em rất mừng . Nhưng như mấy anh trong cty cũng phải thừa nhận là thiết kế ASIC ở Hà Nội vẫn chưa phát triển lắm . Hình như ở SG thì có vẻ sôi nổi hơn . Bác nào ở SG làm về lĩnh vực này có thể chia sẻ chút thông tin cho mọi người được ko ?
Nhân tiện cho em hỏi các bác về đáp ứng tần số trong thiết kế các mạch Opamp cơ bản . Về nguyên lý thì em đọc cuốn Analysis and Design of Analog Integrated Circuits của Gray Hurst Lewis Mayer có nói đến việc giải theo mô hình Miller và đồ thị Bode . Cũng như các thông số quan trọng như Slew Rate . Em muốn hỏi là trong một mạch thực tế , kỹ thuật bù pha gồm những vấn đề gì ạ ?
Tớ có download quyển sách mà bạn nói trên mạng về xem qua (tớ download bản 5). Theo suy nghĩ của tớ thì quyển sách này viết rất hàn lâm, phân tích rất kĩ và tính toán chi tiết. Tác giả trình bày cả mạch MOS lẫn mạch BJT. Đọc các quyển sách viết theo kiểu hàn lâm như vậy có lẽ tốt cho các bạn sinh viên để hiểu và phân tích mạch điện nhưng tớ không thích lắm. Thực tế đã từ rất lâu tớ chẳng tính toán mạch bao giờ nữa. Hiện nay các phần mềm mô phỏng như Hspice, LTspice, mmsim... chạy rất tốt và chính xác. Vì vậy tớ cũng như những người thiết kế khác toàn sử dụng phần mềm để tính toán, và nhiều khi cũng quên luôn cả cách tính toàn thông thường. Cái này cũng giống như học sinh các lớp dưới học tính cộng trừ nhân chia, nhưng sau này toàn bấm máy tính. Tớ thấy cách học hàn lâm quá như vậy có lẽ không cần thiết. Điều quan trọng là ta cần hiểu các nguyên tắc thiết kế và hiệu chỉnh mạch (không cần biết chính xác phải tính toán và hiệu chỉnh thế nào) và sử dụng phần mềm mô phỏng để tinh chỉnh giá trị. Tớ giới thiệu với bạn một quyển khác mà theo tớ là thực tế hơn nhiều (ví dụ các mạch điện đều có giá trị W, và L): "CMOS Circuit Design, Layout, and Simulation" bạn có thể vào đây download
Thông thường tớ nhận thấy mô phỏng trong ASIC rất chính xác trừ các mạch RF. Các L, C, cũng như transistor model cho mạch RF nói chung là không chính xác, cũng như việc xuất hiện nhiễu, cross talk giữa các mạch là rất lớn. Cái này các phần mềm mô phỏng không đáp ứng được yêu cầu và nói chung người thiết kế RF phải rất giỏi, có khả năng phân tích chính xác mạch điện. Như tớ đã từng nói, mạch RF sau khi thiết kế xong nhiều khi nó chạy sai bét nhè. Thông thường tín hiệu RF sau khi chuyển xuống baseband sẽ được số hóa và người ta sẽ dùng phương pháp xử lý số để điều chỉnh lại một số sai lệch như độ tuyến tính, jitter... (bây giờ chẳng có ai đem nguyên tín hiệu tương tự ra xử lý nữa). Mặc dù vậy mạch vẫn cứ chạy sai. Khi đó người ta phải test chip, để biết chip chạy đúng ở đâu sai ở đâu, sau đó người thiết kế sẽ hiệu chỉnh lại mạch thiết kế. Việc hiệu chỉnh này đòi hỏi người thiết kế phải có kinh nghiệm rất nhiều, và không thể chỉ dựa vào phần mềm mô phỏng. Về chuyện này bạn Arix là chuyên gia rồi.
Về thiết kế bù pha, nói chung không có gì khó. Trước hết bạn phải thiết kế mạch khuyếch đại không có bù pha trước (cái này bạn biết làm rồi). Có một nguyên tắc đó là mạch chạy càng nhanh thì hệ số khuếch đại càng nhỏ. Cái điều này cũng dễ hiểu thôi vì bạn muốn tăng hệ số khuyếch đại thì bạn tăng giá trị W lên. Nhưng W càng lớn thì giá trị tụ kí sinh cũng càng lớn nên băng thông càng nhỏ. Vì vậy khi bạn thiết kế mạch khuếch đại, bạn chỉ nên thiết kế với hệ số khuyếch đại vượt trên yêu cầu một chút là đủ (như vậy mạch bạn có băng thông lớn nhất). Sau đó bạn sẽ làm mạch bù pha.
Thường để mạch làm việc ổn định thì phase margin khoảng từ 90 đến 45 độ. Nhiều người hay dùng 60 độ. Nói chung giá trị này chỉ để tạo ổn định cho mạch nên không cần quá chính xác. Mạch bù pha có 2 cách làm. Cách thứ nhất là tăng giá trị điện dung của tải lên. Nói một cách khác bạn lọc bỏ tần số cao ở tải. Như vậy khi bạn sử dụng hồi tiếp, tín hiệu tần số cao dù có bị xoay pha nhưng cũng đã quá yếu chẳng thể nào tự kích được. Nguyên tắc này thường được sử dụng để tạo các điện áp hoặc dòng điện một chiều như cấp nguồn, Iref, Vref. Tớ lấy một ví dụ để bạn thấy liền. Một mạch linear regulator bao giờ cũng có phần chia áp, rồi đưa ngược về so sách với điện áp chuẩn. Mạch so sánh sẽ điều chỉnh lại transistor của của mạch regulator. Đây thực chất là mạch hồi tiếp. Nếu ta đặt một tụ điện rất lớn ở mạch nguồn thì các tín hiệu tần số cao sẽ bị lọc bỏ, khi đó thành phần hồi tiếp về sẽ quá yếu không thể tự kích được. Trong các mạch bandgap voltage bao giờ người ta cũng dùng phương pháp này.
Phương pháp thứ hai là pole splitter. Phương pháp này quá thông dụng rồi. Nguyên tắc của nó rất đơn giản, khi ta đưa một tụ điện vào giữa đầu ra tầng thứ hai và đầu vào tầng thứ hai thì điểm cực thứ nhất sẽ bị đẩy lùi về tần số thấp, còn điểm cực thứ 2 bị đẩy lùi ra tần số cao. Khi làm bạn cứ thay một giá trị tương đối nhỏ của tụ vào và chạy mô phỏng xem điểm cực nằm ở đâu. Sau đó bạn tăng dần giá trị tụ điện cho đến khi đạt yêu cầu về phase margin. Tuy nhiên khi thêm tụ điện này thì nó tạo ra điểm không nằm bên phải mặt phẳng phân cực. Vì điểm không nằm bên phải nên nó cũng xoay pha tương tự như điểm cực. Cái này có thể giải thích một cách định tính như sau: tín hiệu ở tần số cao sẽ đi xuyên qua tụ điện này, như vậy tín hiệu tại đầu ra tầng thứ 2 cùng pha và biên độ với tín hiệu tại đầu vào tầng thứ 2. Để loại bỏ điểm không này người ta thêm vào 1 điện trở nối tiếp với tụ. Điện trở này tạo nên một bộ chia áp với tín hiệu tần số cao, là cho tín hiệu đầu ra tầng thứ 2 chỉ là một phần của tín hiệu đầu vào. Để thực hiện bạn đưa điện trở vào, chạy mô phỏng và tăng giá trị điện trở dần lên. Bạn sẽ thấy điểm không sẽ dịnh chuyển ra tần số cao. Khi điểm 0 chạy ra vô cùng tức là điểm 0 đã biến mất. Nếu tiếp tục tăng giá trị điện trở điểm 0 sẽ chuyển sang mặt phẳng trái. Chính vì vậy mà người ta gọi điện trở này là zero-nulling. Bạn sẽ chọn giá trị điện trở để điểm 0 biến mất. Sau khi thêm điện trở vào điểm cực cũng sẽ thay đổi nhưng không nhiều. Bạn có thể chỉnh lại giá trị tụ điện một chút nếu muốn.
Nếu bạn làm layout sẽ nhận thấy diện tích của tụ điện bù này nhiều khi còn lớn hơn phần còn lại của mạch khuếch đại. Vì vậy người ta phải tìm cách làm tụ có giá trị lớn mà diện tích nhỏ. Người ta có 2 phương pháp để làm điều này. Thứ nhất người ta vừa sử dụng tụ kim loại và tụ mos. Tụ mos thực chất là transistor mà một đầu là cực gate, đầu còn lại là source nối liền với drain. Khi transistor này mở thì lớp polysilicon của cực gate và kênh dẫn tạo thành một tụ. Sau đó các lớp kim loại phía trên được sử dụng để tạo tụ kim loại. 2 tụ này nối song song với nhau để tăng giá trị điện dung. Tớ thường thấy trong các sách hay vẽ tụ kim loại là 2 bản kim loại nằm ở 2 lớp cạnh nhau. Loại này gọi là tụ MIM (Metal Isolator Metal). Tụ dùng để bù pha thường không cần có giá trị chính xác nhưng lại cần có giá trị lớn. Vậy nên người ta hay dùng loại Metal Finger. Loại này sử dụng 2 bản kim loại là những đường dẫn ở cùng một lớp có kích thước nhỏ nhất đan vào nhau như 2 cái lược cài vào nhau vậy. Lớp kim loại phía trên cũng là 2 cái lược như vậy nữa nhưng nhưng lệch đi. Tức là nếu lớp dưới là đường chạy của đầu tụ thứ nhất thì lớp trên là đường chạy của đầu tụ thứ 2 và ngược lại.
Nói chung như tớ nói bù pha chỉ để làm mạch ổn định nên không cần quá chính xác. Bạn chỉ cần biết định tính như vậy và dùng phần mềm mô phỏng là có thể làm tốt rồi. Chúc bạn thành công.
Xin nhắc lại lịch hẹn với các bạn vào tối mai, thứ 3 ngày 21/12 tại cafe Phố Núi đường Nguyễn Chí Thanh, tôi sẽ có mặt lúc 6h, mong gặp các bạn, càng đông vui càng tốt.
Hôm trước tớ hướng dẫn bạn làm bù pha có một điểm không chính xác tớ sửa lại một chút. Điện trở zero-nulling của mạch bù bạn đừng tăng giá trị lớn quá. Bạn chỉ nên đẩy điểm không lên trên tần số cắt (tần số mà hệ số khuếch đại của mạch bằng 0dB) 1 decade là đủ. Ví dụ tần số cắt của bạn là 50 MHz thì bạn đẩy điểm không lên tần số 500MHz. Điểm không nằm trên tần số cắt 1 decade là đủ để nó không ảnh hưởng đến pha. Việc tăng giá trị điện trở này lên quá cao làm ảnh hưởng đến hiệu quả của tụ bù pha.
Xin nhắc lại lịch hẹn với các bạn vào tối mai, thứ 3 ngày 21/12 tại cafe cạnh Phố Núi đường Nguyễn Chí Thanh, tôi sẽ có mặt lúc 6h, mong gặp các bạn, càng đông vui càng tốt.
Chào mọi người,
Thứ ba tuần trước (21/12) mình đã tham dự cuộc gặp gỡ do anh Arix khởi xướng. Buổi nói chuyện hôm đó khá thú vị bởi đa phần các anh, các bạn tham gia đều là những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực chip nói chung và thiết kế IC nói riêng. Một vài chủ đề liên quan đến trình tự (flow) làm chip, cũng như các vấn đề về công cụ, hay phần kiểm tra (verification) các chíp có độ tích hợp lớn và cấu trúc phức tạp được trao đổi rất sôi nổi. Tuy nhiên, phần quan trọng nhất là những trao đổi từ phía anh Arix về hướng đi mới với mong muốn tập hợp những người Việt Nam làm thiết kế IC để có thể tạo ra sản phẩm thương mại tại Việt Nam trong thời gian tới. Mình sẽ tóm tắt theo ý hiểu của mình như ở dưới đây và cũng rất mong có thêm sự bổ xung và trao đổi từ mọi người:
[1] Phát triển thiết kế IC nói riêng và lĩnh vực bán dẫn nói chung hiện đang đứng ở vị trí nào trong định hướng phát triển của Tập đoàn? Lĩnh vực này có được tách riêng ra làm một hướng phát triển mới?
- Tập đoàn đã có đính hướng, đã triển khai các bước chuẩn bị đầu tiên (công cụ thiết kế, liên kết với fab, ...) và cam kết hỗ trợ phát triển lĩnh vực này. Tuy nhiên, thiết kế IC không phải là lĩnh vực đầu tư phát triển riêng biệt mà nó chỉ là một phần trong định hướng phát triển các sản phẩm "công nghệ cao" của Tập đoàn. Tức là, các sản phẩm đầu cuối (đến tận tay người tiêu dùng) mới là đích đến của Tập đoàn, và IC là một phần trong đó. Nói tóm lại, nếu chúng ta chứng minh được chúng ta hoàn toàn có thể làm được IC thương mại (có tính cạnh tranh trên thị trường) thì chúng ta sẽ được Tập đoàn đầu tư để làm.
[2] Làm sao để sản phẩm chúng ta làm ra có thể cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại trên thị trường?
- Chúng ta hiểu là rất khó để giành thắng lợi về giá nên mục tiêu là sẽ làm ra sản phẩm ở mức giá chấp nhận được, bên cạnh đó bổ xung thêm một (vài) tính năng làm cho sản phẩm của chúng ta khác biệt với các sản phẩm cùng loại, đó là giải pháp để bù sự chênh lệch về giá thành.
[3] Tập đoàn đã có dự án thiết kế IC chưa? Nếu có thì nguồn lực cũng như kế hoạch triển khai hiện tại như thế nào?
- Dự án đã có và nếu không có gì thay đổi, dự án sẽ được khởi động trong năm tới (2011). Về dự án, đây là một dự án dạng SoC; về nguồn lực, tập đoàn hiện đã có đội ngũ kỹ sư thiết kế IC số + tương tự, cũng như cam kết cố vấn của các chuyên gia đã có hơn 20 năm kinh nghiệm ở nước ngoài, và đủ tự tin để hoàn thành dự án đến hết bước layout.
Nói rộng ra, vấn đề khách hàng đã có, vấn đề vốn cũng đã có, vấn đề còn lại là chúng ta có làm được sản phẩm thỏa mãn yêu cầu khách hàng này hay không mà thôi. Như những gì được trao đổi với các anh, các bạn ở cuộc gặp này thì mình nghĩ chúng ta đủ sức (đủ nội lực) để thực hiện vì có rất nhiều anh, nhiều bạn đã tiếp xúc với các vấn đề về IC vài năm rồi, rất khác so với cách đây 5 năm là tìm người nói chuyện về IC rất khó.
Ngoài ra, còn một số vấn đề thảo luận xung quanh các sản phẩm hiện đang phát triển của tập đoàn và một số thành công nhất định khẳng định cho hướng đi mới này của tập đoàn, nhưng không "trực tiếp" liên quan đến thiết kế IC nên mình không đưa ra ở đây. Tuy nhiên theo mình nó rất thú vị với các bạn ham thích điện tử nói chung (cả phần cứng và phần mềm như lập trình cho điện thoại di động,... ), vậy bạn nào có nhu cầu xin hãy liên lạc trực tiếp với anh Arix để tìm hiểu thêm.
Cuối cùng, xin được gửi tới mọi người lời chúc một năm mới thắng lợi!
Tớ cũng rất muốn tham gia vào buổi họp mặt thứ ba tuần trước nhưng không được. Thấy bạn Hithere123 viết tớ nghĩ anh Arix nhiều tuổi hơn tớ nên tớ gọi anh là anh. Trước hết em muốn chúc mừng anh và mọi người đã được một tập đoàn lớn đầu từ để phát triển ASIC design. Em mong anh và dự án sẽ thành công rực rỡ. Hi vọng sau này VN sẽ phát triển ngành này không kém gì các nước khác trên thế giới.
Tiếc rằng em không tham gia buổi họp mặt nên không biết thông tin chi tiết. Em chỉ đọc bài viết của bạn Hithere123 nên có thể không hiểu hết. Nhưng theo suy nghĩ của em thì dự án này quá tham vọng, và khả năng thành công không cao. Em viết bài này trên tinh thần góp ý thẳng thắn, nếu có đụng chạm em xin lỗi mọi người trước hi vọng mọi người không giận.
Nếu em hiểu đúng thì tập đoàn định phát triển một sản phẩm công nghệ cao từ A đến Z và người dùng là khách hàng cuối cùng. Đối với một sản phẩm chưa từng có thì việc phát triển nó rất dễ phát sinh lỗi. Lỗi có thể do khâu thiết kế ASIC, có thể do firmware, có thể do thiết kế board, và cũng có thể do sản xuất. Nếu sản phẩm lỗi đến tay khách hàng thì doanh nghiệp nhất định sẽ thiệt hại nặng. Cho dù phát hiện ra lỗi sớm thì việc xử lý, và sửa chữa cũng rất tốn kém và không đơn giản. Theo như em biết các hãng khi đưa sản phẩm mới ra, nó chỉ có một chút sáng tạo trong đó; còn lại đều là dựa trên các sản phẩm trước đó. Có nhiều nguyên nhân nhưng em nghĩ nguyên nhân căn bản là người ta muốn đảm bảo việc thiết kế và sản xuất được ổn định, sản phẩm sản xuất ra tốt hài lòng khách hàng. Cách đây mấy năm em có làm một project mà người ta thiết kế những 2 mạch bandgap voltage. Đó là bởi vì project này chạy điện áp thấp hơn nên cần mạch bandgap voltage mới nhưng họ vẫn làm mạch cũ để nếu có lỗi người ta có thể nâng điện áp cấp và chuyển sang sử dụng mạch cũ. Như vậy các bạn có thể thấy những bước đột phá thường kèm theo rủi ro rất cao. Project này theo em nghĩ thì có quá nhiều đột phá và có lẽ là không cần thiết. Bây giờ là thời đại toàn cầu hóa, ta chỉ nên làm những gì ta làm tốt hơn người khác, và hay mua các sản phẩm mà người khác làm tốt và rẻ hơn ta. Vậy tại sao tập đoàn lại có ý định phát triển mới tất cả từ A đến Z đối với sản phẩm như vậy.
Điểm thứ hai em nhận thấy đó là khách hàng là người dùng thông thường, và sản phẩm là loại thông dụng. Với loại khách hàng này thì giá cả hết sức quan trọng. Có một bộ phận khách hàng không quan tâm đến giá cả chỉ thích mua hàng hiệu, hàng độc nhưng bộ phận này rất nhỏ. Bước vào thị trường hàng thông dụng là đồng nghĩ với việc phải cạnh tranh với những hãng lớn, có tiềm lực tài chính, nhân lực. Các sản phẩm của họ nói chung có chất lượng cao (do bỏ nhiều tiền để phát triển) giá thành rẻ (do sản xuất với số lượng lớn có nhiều khách hàng). Một (vài) tính năng khác biệt có giúp sản phẩm tiếp cận với khách hàng hay không?
Điểm cuối cùng em muốn nói đến là nhân lực. Trình độ của nhân viên anh đến đâu có lẽ chỉ có anh mới trả lời được. Theo em nghĩ bạn Hithere123 hơi lạc quan quá. Nhân viên của những hãng lớn nước ngoài muốn làm về kiến trúc thường có trên 10 năm kinh nghiệm, làm về thiết kế thường có trên 5 năm kinh nghiệm, và làm verification thường có trên 3 năm kinh nghiệm. Với một project lớn (SoC) không thể sử dụng nhân viên thiếu kinh nghiệm được. Cái này anh biết quá rõ và em cũng không muốn bàn nhiều.
Chuyện một số việt kiều về nước làm ASIC design thất bại em có nhắc đến rồi nên không nói nữa. Em lần này lấy 2 ví dụ gần gũi hơn để mọi người chia sẻ. Em nhớ vài năm trước ở VN rộ lên phong trào làm máy tính giá rẻ (Thánh Gióng với gì đó nữa em chỉ đọc trên báo nên không rõ). Dự án này chắc bây giờ xong rồi. Lắp máy tính về mặt kỹ thuật dễ hơn thiết kế chip nhiều lần vậy mà cũng thất bại vì năng lực của vài công ty nhỏ chẳng có gì vượt trội so với các hãng lớn, lại sử dụng chiến lược cạnh tranh về giá thì thất bại là phải. Ví dụ thứ hai em muốn nói đến là Vinashin. Vinashin sụp đổ có nhiều nguyên nhân nhưng có một nguyên nhân là đã làm quá khả năng của mình. Em tin chắc trong Vinashin cũng có nhiều người giỏi về đóng tầu, được nhà nước đầu tư nhiều tiền nhưng khả năng đến đâu thì làm đến đó thôi, rồi từ từ phát triển. Khả năng chỉ là sửa chữa các tầu nhỏ thì đừng cố làm tầu to để rồi thất bại.
Em ủng hộ VN phát triển ASIC design nhưng nên làm từ nhỏ đến lớn, và nên tập trung. Ví dụ như bộ quốc phòng đặt hàng anh làm một thiết bị liên lạc vô tuyến... thì những dự án như vậy em rất ủng hộ và tin tưởng. Em vẫn cho rằng anh nên làm những thiết kế nhỏ như IP core, hay các chip chuyên biệt cho các doanh nghiệp và quân sự. Em có nghe nói hãng Bosch cũng từng yêu cầu thiết kế chip cho các sản phẩm của riêng họ. Hay các hãng máy bay, tên lửa vẫn mua các chip đặc biệt của IBM. Về quốc phòng thì khỏi cần nói.
Sang năm mới tớ chúc mọi người sức khỏe và thành đạt.
Trước hết cảm ơn bạn về những ý kiến đóng góp ở bài viết trên, chúng ta cần lắm những ý kiến như thế này. Những vấn đề bạn nêu ra hy vọng anh Arix sẽ có những hồi âm với bạn để giải thích rõ hơn. Để tránh hiểu nhầm, dưới đây mình chỉ nói rõ thêm một vài ý liên quan tới những gì mình viết ở bài viết trước.
- Sản phẩm công nghệ cao ở bài viết trước mình để trong ngoặc kép có lẽ đã gây hiểu nhầm. Thực chất theo những gì mình hiểu thì sản phẩm mà anh Arix định làm không phải là cái gi đột phá kiểu thế giới chưa ai làm mà ngược lại nó lại là những sản phẩm mà thế giới đã làm chán chê rồi, và cũng đã làm rất lâu rồi, ví dụ như chiếc điện thoại di động giá rẻ Nokia khoảng 500K VND chẳng hạn. Mình nói công nghệ cao chỉ có dụng ý là một sản phẩm kiểu như thế và nó sẽ được sản xuất bằng các công cụ và công nghệ hiện đại tiệm cận hoặc tương đương với trình độ và kỹ thuật mà cả thế giới hiện đang làm. Tất nhiên, với các sản phẩm dạng này làm sao ta có thể cạnh tranh về giá nhưng nếu chúng ta đưa vào đó một (vài) tính năng đặc biệt, chỉ ở ta mới có và chỉ khách hàng của ta cần thì đó chính là chúng ta đã tạo thêm giá trị cho chúng và những tính năng thêm vào đó sẽ bù được sự thua thiệt về giá mà chúng ta phải chấp nhận vì chúng ta là những người đi sau. Để đưa thêm những tính năng kiểu này vào thì buộc mình phải chủ động làm ra nó từ A đến Z hay ít nhất cũng cần biết các công đoạn từ A đến Z để làm ra nó, như thế mình mới biết là cần đưa thêm tính năng mới vào ở đâu và như thế nào. Nói như vậy cũng không có nghĩa là mình sẽ phải làm tất cả mọi thứ, bộ phận nào mua được với giá rẻ tội gì mình không phải không bạn?
- Cũng giống như ý kiến của bạn, làm một sản phẩm như vậy trong điều kiện vừa làm vừa hoàn thiện thì không tránh khỏi lỗi. Vấn đề là Tập đoàn hiểu và cam kết hỗ trợ để làm, tất nhiên không có chuyện anh làm đi làm lại vẫn không ra được sản phẩm. Theo mình hiểu cái Tập đoàn muốn nhìn thấy là thấy được sự tiến bộ, kiểu như sai lần đầu vẫn chấp nhận nhưng cần phải chứng minh lần sau sẽ phải có những cải tiến để đảm bảo có được sản phẩm cuối cùng đáp ứng đúng yêu cầu.
- Về vấn đề nhân lực thì quả thật buổi gặp đó mình không được gặp toàn đội của anh Arix, tuy nhiên anh Arix nói có một đội ngũ cố vấn rất cứng (trên 20 năm kinh nghiệm làm ở Mỹ). Hiện ở Việt Nam, kỹ sư thiết kế với ~5 năm kinh nghiệm mình dám chắc không quá khó tìm, tương tự như vậy với kỹ sư kiểm tra (verification), nên đội ngũ thực hiện mình không phải là lạc quan quá đâu. Hôm đó mình cũng đã nghĩ làm SoC phần khó nhất không phải là phần thi hành mà cần có kinh nghiệm ở mức top-level để hướng dẫn những người trực tiếp thi hành. Mình cũng có hỏi anh Arix về vấn đề này và được giải thích là có một đội ngũ cố vấn làm việc rất gần với nhóm trong đó người nào cũng hơn 20 năm kinh nghiệm làm ở Mỹ nên mình không đi sâu thêm nữa.
- Chuyện thất bại của một vài ví dụ bạn đưa thì mình không lạm bàn ở đây, nhưng quả thật mình biết một số chuyện giống như người miền nam hay nói là nhìn thấy vậy nhưng lại không phải vậy, hì
Một vài dòng trao đổi thêm như vậy,
Thân mến.
Last edited by hithere123; 28-12-2010, 10:05.
Lý do: thêm chi tiết
Em đang tìm hiểu cách xây dựng chương trình điều khiển động cơ Servo Yaskawa bằng máy tính tuy nhiên khi tìm kiếm trên mạng các hướng dẫn thì thường là điều khiển bằng vi điều khiển hoặc điều khiển bằng PLC hay điều khiển động cơ...
Hai lớp dán mặt trước và mặt sau, gọi là film phân cực. Muốn hiểu rõ về nó thì chịu khó search nhé. Ở đây có rất nhiều chó cứ ngửi thấy phân là sủa nhặng, nên không giải thích nhiều....
Mọi người ơi cho em hỏi cái này ạ, hiện tại em đang làm btl về hiển thị giá trị nhiệt độ trên led 7 thanh sử dụng atmega16, code em chạy trên mô phỏng rất oke nhưng khi lắp qua mạch thực thì bị lỗi ở led đầu tiên bị lỗi như thế này...
Nhờ cả nhà tìm giúp mình thông tin IC này với, thấy ghi 943B W58BAL mà mình tìm mấy ngày nay không được, nó được đóng gói dạng TSSOP 8. Cám ơn cả nhà....
Cảm ơn bạn đã chia sẻ câu chuyện và quá trình phát triển sản phẩm của mình. Trước tiên, thật may mắn khi bạn vượt qua tai nạn và vẫn giữ được niềm đam mê cũng như khả năng sáng tạo trong lĩnh vực kỹ thuật. Việc bạn tiếp tục...
Bạn nên nghiên cứu cái chấn lưu đèn ống Compact fluorescent lamp hay đèn compact trước đã. Nó rẻ đỡ tốn kém.
Sau khi hiểu rõ rồi thì chuyển sang cái mạch này.
Ở cái chấn lưu, tần số của nó linh tinh lắm, tùy điện áp nguồn, tùy...
Comment